Bảo hiểm nhân thọ và Ngân hàng tưởng không liên quan gì đến nhau, nhưng những năm gần đây lại liên quan đến không tưởng. Thực trạng khách hàng khi tham gia vay vốn tại Ngân hàng, liên tục bị “khuyến khích” mua kèm 1 gói Bảo hiểm nhân thọ vẫn liên tục diễn ra. Bài viết này, sẽ lý giải nguyên nhân vì sao các ông lớn Ngân hàng, lại liên tiếp bắt tay với các công ty Bảo hiểm.
Danh mục bài viết
Bảo hiểm nhân thọ là gì?
Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm của các công ty bảo hiểm nhằm bảo vệ con người trước những rủi ro liên quan đến sức khỏe, thân thể, tính mạng. Người tham gia thỏa thuận và ký kết hợp đồng với công ty bảo hiểm, về việc sẽ đóng đúng những khoản phí đều đặn vào quỹ dự trữ tài chính do công ty bảo hiểm quản lý. Để được chi trả số tiền nhất định khi không may gặp rủi ro hoặc đến thời điểm đáo hạn.
Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm (Theo khoản 1 – Điều 12 – Luật kinh doanh bảo hiểm).

Bản chất của Bảo hiểm nhân thọ là cách thức dự phòng tài chính an toàn cho tương lai với mục đích thay thế nguồn thu nhập khi người tham gia gặp rủi ro bất trắc (quyền lợi bảo hiểm nhân thọ).
Chính vì thế bảo hiểm nhân thọ có ý nghĩa to lớn đối với cuộc sống con người, nó không chỉ giúp ổn định cuộc sống khi rủi ro bất ngờ xảy ra mà còn là cách thức chia sẻ rủi ro trong cộng đồng bằng cách lấy số đông bù số ít.
Vì sao ngân hàng lại bán Bảo hiểm nhân thọ?
Công ty bảo hiểm liên kết với Ngân hàng
Hiện nay, rất nhiều công ty bảo hiểm đã liên kết với ngân hàng để bán bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tài sản… Có thể nói kênh Bancassurance (kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) đã mang lại hiệu quả kinh doanh rất tốt cho doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng.
Số lượng khách hàng của các ngân hàng thường rất lớn nên tỷ lệ tìm kiếm người có nhu cầu tham gia bảo hiểm cũng rất cao.
Nhiều công ty Bảo hiểm đã ký kết độc quyền phân phối cho riêng 1 Ngân hàng
Nhiều công ty bảo hiểm chính thức ký kết phân phối độc quyền sản phẩm bảo hiểm với các ngân hàng như: Generali ký kết hợp tác chiến lược phân phối độc quyền các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với ngân hàng Phương Đông (OCB) trong thời hạn 15 năm. Dai-ichi Life Việt Nam ký kết hợp tác với Sacombank trong thời hạn lên đến 20 năm và SHB trong 15 năm….
Lợi nhuận khổng lồ

Lợi nhuận thu được từ kênh Bancassurance cũng khá ấn tượng. Nếu như năm 2018, doanh thu phí bảo hiểm mới đến từ kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance) chỉ chiếm 20%/tổng số phí bảo hiểm thu được của cả thị trường, thì đến tháng 8/2019, tỷ lệ này là gần 30%.
Quy định của pháp luật về Bảo hiểm nhân thọ trong vay vốn Ngân hàng
Không có quy định nào của pháp luật về việc phải mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng. Vì vậy, việc khách hàng mua thêm bảo hiểm khi vay vốn là sự thỏa thuận giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng và người vay.
Theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ ngày 28/8/2013 được sửa đổi bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/2018 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm có quy định:
“ Trường hợp cá nhân có hành vi ép buộc khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức, sẽ bị xử phạt từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng kèm theo hình phạt bổ sung đình chỉ hoạt động từ 2 đến 3 tháng”.
Kinh nghiệm để từ chối tham gia Bảo hiểm nhân thọ
Kiên quyết từ chối vì thu nhập không đủ để tham gia.

Khi được mời mua bảo hiểm nhân thọ, nếu thật sự không có nhu cầu, để tránh bẫy “lãi suất ưu đãi” hoặc “để duyệt hồ sơ nhanh” khi vay vốn tại ngân hàng. Khách hàng nên trình bày bản thân và gia đình cần vay vốn để cải thiện đời sống, thu nhập không đủ để tham gia.
Tố cáo với thanh tra Ngân hàng nhà nước
Bạn nên khéo léo thu thập bằng chứng hoặc ghi âm các lời “ép buộc” mua BHNT đại loại như: “nếu không mua BHNT thì…thì…” và các kiểu câu đề nghị tương tự như thế. Sau đó, bạn có thể báo cáo sự việc bị “ép” mua BHNT về Thanh tra Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
Nên chọn các Ngân hàng nhà nước để vay
Nếu hồ sơ pháp lý của bạn tốt, tài sản đảm bảo phù hợp, bạn không nhất thiết phải chọn các ngân hàng TMCP để vay. Vì khi đó, bạn có rất nhiều lựa chọn, không nhất thiết phải chọn một ngân hàng chuyên bán Bảo hiểm như thế.
Trên thực tế, các ngân hàng có vốn nhà nước như Agribank, Vietcombank,… sẽ ít khi “ép” khách hàng mua BHNT. Mặc dù Vietcombank vẫn có bán BHNT của FWD, nhưng trên thực tế với trải nghiệm của nhiều khách hàng, Vietcombank thật sự chưa đến độ “ép” khốc liệt như các ngân hàng thương mại cổ phần khác.